NỮ CỰU TNXP PHƯỜNG TRÚC BẠCH - TẤM GƯƠNG VỀ NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
“Cuộc đời vẫn đẹp sao - Tình yêu vãn đẹp sao
Dù đạn bom thét gào - Dù thân thể của ta mang đầy thương tích”
Nghe tiếng hát tôi quay lại, thì ra tiếng hát của anh Bổng, chồng chị Nguyễn Thị Tuyết. Tôi cũng được nghe kể nhiều về chị. Hàng sáng chị dắt chồng đi bộ vòng quanh hồ Trúc Bạch. Tôi quay lại đi cùng anh chị. Tôi hỏi chị: “Sáng nào chị cũng dắt anh đi bộ quanh hồ à”? - Vâng, mấy năm gần đây các cháu đã lớn, tôi mới có thời gian đưa nhà tôi đi vòng quanh hồ cho anh hít thở không khí, cứ để anh ở trong nhà với bốn bức tường tội lắm.
Mọi người sống quanh chị ai cũng kính nể chị. Một người con gái quê lụa yêu thương chồng hết mực. Chồng chị là anh Lê Văn Bổng - thương binh nặng 1/ 4 (loại nặng nhất của thương binh). Khi anh đi B chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Như câu anh vừa hát “Dù thân thể của ta mang nhiều thương tích ”. Vâng thân thể của anh, những bộ phận quan trọng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày đều bị bom đạn gặc Mỹ cướp đi. Người ta nói: “Giầu hai con mắt, khó hai bàn tay”, bom đạn đã cắt đi đôi cánh tay của anh chỉ còn lại 2 cái cùi, hai con mắt của anh cũng bị khoét bỏ đi vì nhiều mảnh đạn găm vào mắt, hai đôi tai của anh cũng bị điếc dần vì sức ép của bom. Thân thể của anh, chiến tranh đã để lại thương tích như thế đó. Anh là thương binh nặng nhất khu điều dưỡng của Nhà nước thời kỳ bấy giờ.
Chân dung vợ chồng anh Bổng chị Tuyết
Một lần chị cùng Hội phụ nữ đến thăm và mang quà đến tặng cho thương binh. Chị nhìn anh đồng cảm và thương xót anh, lòng nhân hậu tình yêu thương cứ dày vò suy nghĩ của chị. Chị đã hạ quyết tâm, xin mẹ và họ hàng lấy anh thương binh nặng nhất về làm chồng để được chăm sóc anh. Mẹ chị rụng rời tay chân, nhưng chị xin cưới anh thương binh hỏng hai mắt, cụt hai tay, điếc hai tai. Mẹ chị đau đớn nhưng nghĩ thương chị côi cút từ bé, bố chị - một cán bộ cách mạng, đã bị bọn giặc Pháp chặt đầu ở chợ Tía, nhà cửa bị đốt sạch, mấy mẹ con phải lấy lá chuối lợp chuồng lợn để ở. Bản thân gầy gò, ốm yếu, lấy chồng vừa mù, vừa điếc và cụt cả 2 tay, sau này phải phục vụ suốt đời, rồi sinh con ai giúp cho, mẹ cương quyết không đồng ý. Nhưng chị quyết tâm, anh hy sinh thân mình cho đất nước có phải anh muốn thế đâu. Cuối cùng mẹ cũng phải nghe theo và tổ chức cưới cho chị.
Năm 2001, khi Hội cựu TNXP phường Trúc Bạch bắt đầu được thành lập khóa I, chị được bầu vào BCH Hội cựu TNXP phường Trúc Bạch. 5 năm công tác và hoạt động, chị luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là UVBCH kiêm Chi hội trưởng chi hội 1, chị đi sâu, đi sát từng hội viên trong chi hội, đi thu quỹ đầy đủ, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Đến tận nhà thăm viếng khi hội viên qua đời. Xung quanh hàng xóm ai khó khăn cần giúp đỡ, chị luôn vui vẻ, sẵn sàng ủng hộ mọi điều kiện, với tấm lòng thơm thảo, yêu thương đồng đội, chị luôn giúp đỡ tận tình, năm nào chị cũng bỏ từ 1-2 triệu đồng để giúp đỡ mọi người.
12 năm qua kể từ khi thành lập Hội đến nay, chị Nguyễn Thị Tuyết là phụ nữ nhân hậu, luôn sống vì mọi người. Tuổi trẻ chị đã có nghị lực vượt qua lời dèm pha, ngăn cản dũng cảm đến với anh, một thương binh nặng chỉ có hai chân biết đi, chị vẫn thường đùa với mọi người gọi anh là “Cục thịt di động của tôi”. Nhà chị không khá giả gì, ngoài đồng lương thương binh của anh và phụ cấp chị được hưởng chăm sóc anh, chị vất vả bên người chồng tàn tật và đứa cháu nội là trẻ khuyết tật, thiểu năng tuần hoàn não. Hai ông cháu phải thuốc men quanh năm.
Năm nào chị cũng được Trung ương, thành phố, quận, phường và các cơ quan Nhà nước đến thăm hỏi và tặng quà vào những dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ. Chị đều bớt một phần để tặng những đồng đội của mình ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn, có năm chị tặng đến 3.000.000đ. Năm nào chị cũng được phường khen thưởng về công tác nghĩa tình đồng đội. Suốt 12 năm qua, chị sống trong sự yêu thương đồng đội, vươn lên mọi khó khăn, gian khổ để đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Tác giả: Nguyễn Kim Chung
Chủ tịch Hội cựu TNXP phường Trúc Bạch – Ba Đình