Logo
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024

NHỮNG THÁNG NĂM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN!

2023-07-19 22:53:48
81 lượt xem

          Cách đây 60 năm 1963 – 2023 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, miền Bắc vững mạnh làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Các tỉnh, thành phố đều có những cuộc phát động và hưởng ứng rầm rộ, riêng Hà Nội đã phát động phong trào "THANH NIÊN XUNG PHONG TÌNH NGUYỆN THÁNG 8 THỦ ĐÔ" mang sức trẻ góp phần xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa tại các công nông trường trọng điểm miền núi do thành Đoàn Hà Nội phát động. Cuộc phát động đã được hàng nghìn nam nữ thanh niên kể cả nội và ngoại thành hưởng ứng và làm đơn tình nguyện tham gia.

          Ngày 15/8/1963 tại sân ga Hàng Cỏ Hà Nội, đồng chí Lưu Minh Châu - Bí thư thành Đoàn và các đồng chí trong thường vụ đã đến động viên và đưa tiễn gần 1000 đoàn viên và thanh niên xung phong tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ! Trong ngày đó riêng quận Ba Đình (thời đó gọi là Khu Ba Đình) có hơn 200 đồng chí là học sinh vừa tốt nghiệp cấp II, cấp III với tuổi đời đôi mươi trẻ trung hồn nhiên không so tính thiệt hơn chỉ mong muốn và khát khao được cống hiến sức trẻ làm rạng danh thanh niên Thủ đô và có lợi cho Tổ quốc! Đoàn TNXP tình nguyện quận Ba Đình chi làm 2 đội, 1 đội đến với nông trường Tô Hiệu thuộc tỉnh Sơn La phía Tây Bắc, 1 đội về miền Trung du với nông trường Sông Âm thuộc huyện Long Chánh miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

          Với 2 nông trường này chủ yếu là CBCN có tay nghề cao và lực lượng bội đội sau các chiến dịch trở về tình nguyện ở lại nông trường vừa tham gia lao động sản xuất vừa làm nòng cốt và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ nông trường, tiểu phỉ và bảo vệ vùng biên giới.

          Tuy là nông trường nhưng lại nằm ở vùng núi, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn sơ sài thiếu thốn nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT… nên khi lực lượng TNXP tình nguyện tháng 8 Thủ đô quận Ba Đình đến tham gia mọi người đều hân hoan chào đón và nhanh chóng sắp xếp vào các tổ đội sản xuất.

          Đối với TNXP tình nguyện những ngày đầu, tháng đầu do chưa quen với lao động chân tay, công việc lại mới mẻ nặng nhọc, nhiều đêm dưới tiếng mưa rừng không ngủ được nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em bạn bè, trường lớp đến da diết đã thế ban ngày với khí hậu ở miền núi khắc nghiệt nhất là nông trường Sông Âm giáp với biên giới Việt – Lào những cái nắng và cơn gió Lào như tạt lửa vào mặt làm cho da dẻ mọi người không còn trắng trẻo như những ngày mới đến, bàn tay, bàn chân chai sạn, năng suất không cao. Thấu hiệu tâm trạng đó lãnh đạo hai nông trường và các bác, các chú, các cô trong nông trường đã luôn luôn động viên khích lệ bằng lời dạy của Bác Hồ kính yêu:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

          Và hãy nhớ lời căn dặn động viên của đồng chí Bí thư thành đoàn Hà Nội trước lúc đoàn lên đường. Từ đó những khó khăn ban đầu ngoài bản thân vượt khó vươn lên lại được tập thể trong hai nông trường Tô Hiệu, Mộc Châu Sơn Là và Sông Âm, Lang Chánh Thanh Hóa ân cần động viên chỉ bảo nên mọi người đã sớm hòa đồng và hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao. Với nông trường Sông Âm Thanh Hóa, cây cam và cây gai là cây trồng chính thì nông trường Tô Hiệu Sơn La  cây bông là cây trồng chính, ngoài ra hai nông trường còn trồng các cây lương thực ngắn ngày như lúa, khoai, ngô, sắn, lạc, vừng, chăn nuôi thêm lợn gà để tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống.

          Hòa đồng cùng với phong trào năng suất - chất lượng - hiệu quả càng lao động TNXP quận Ba Đình tay nghề càng cao từ cái có ló cái khôn những sáng kiến cải tiến kĩ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm đạt năng suất từ 10 – 20 lần so với làm thủ công, nhiều đồng chí đạt danh hiệu kiện tướng chế biến gai, kiện tướng ghép cam, kiện tướng chăn nuôi giỏi.

          Trong các ngày từ 25/5 – 2/6 năm 1964 thành đoàn Hà Nội tổ chức đại hội những thanh niên xuất sắc ưu tú trong phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô, riêng quận Ba Đình có 16 đồng chí được về dự đại hội và 3 báo cáo của các anh chị Hoàng Quốc Sùng nông trường Tô Hiệu anh Lê Trần Tùng và chị Hà Mai Thanh nông trường Sông Âm.

          Phong trào “Ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” hai nông trường đã được đầu tư và giao kế hoạch đưa cây lương thực và phát triển chăn nuôi thành ngành chính để tạo thêm nguồn lương thực cho xã hội và chiến trường. Nhớ lại câu thơ của Bùi Minh Quốc:

Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi đến mấy cũng lên đường

Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn

          Hai nông trường Sông Âm và Tô Hiệu đã hình thành một kết nối: Trong lao động sản xuất cán bộ và công nhân có tay nghề cao truyền đạt kinh nghiệm. Bộ đội chuyển ngành thì hướng dẫn tập luyện quân sự, hướng dẫn và tuần tra, xây dựng lực lượng tự vệ bảo vệ nông trường và sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Còn TNXP quận Ba Đình Hà Nội làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa thanh toán nạn tái mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cấp I và phổ cập văn hóa cấp II, làm nòng cốt và xây dựng các đội văn nghệ, TDTT sau giờ lao động tiếng hát, điệu hò tập văn nghệ, các lớp bổ túc văn hóa, các sân bóng đá, bóng chuyền luôn luôn sôi động đưa phong trào văn hóa, TDTT của nông trường thành một món ăn tinh thần không thể thiếu.

          Hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN cho miền Nam ruột thịt, đế quốc Mĩ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ điên cuồng cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc không kể ngày đêm. Ở nông trường Tô Hiệu Sơn La cuối tháng 8/1964 một xe ô tô chở bông của nông trường Tô Hiệu bị máy bay Mĩ bắn trúng ở ngã ba Cò Nòi – Pha Văn, một đồng chí công nhân lái xe hi sinh, đội viên TNXP Nguyễn Văn O bị thương nặng với 12 viên bi còn găm trong người. Nhà máy cán bông cũng bị trúng bom nên ngay đêm hôm đó toàn bộ máy móc và nông trường phải tháo dỡ chuyển đi sơ tán nơi an toàn để tiếp tục sản xuất.

          Đối với nông trường Sông Âm nằm trong huyện miền núi Lang Chánh gần đập Bái Thượng giáp với biên giới Việt - Lào nơi các đoàn xe quân sự tiếp viện thường đi qua nên không tránh khỏi máy bay địch luôn luôn dòm ngó và bắn phá. Vì thế tất cả 2 công trường đều chuyển sang hoạt động thời chiến vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu “Chiến đầu kiên cường, sản xuất hăng say!” “Tiếng hát át tiếng bom hậu phương thi đua với tiền phương cùng lập công chiến thắng giặc Mĩ xâm lược!” Chiến trường miền Nam càng thắng lớn giặc Mĩ càng điên cuồng cho máy bay ra miền Bắc trút hàng tấn bom đạn xuống làng mạc phố phường, mạch máu giao thông, nhà ga bến bãi thậm chí cả đền chùa bệnh viện , trường học nhà trẻ gây bao cảnh đau thương. Phong trào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang do TW Đoàn phát động đã được thanh niên cả nước hưởng ứng, hàng đoàn quân lại tiếp bước lên đường trong đó có cả TNXP Thủ đô Hà Nội, đối với nông trường Tô Hiệu và Sông Âm có đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng được cử đi học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung Cấp nhưng đã xin được tòng quân ra mặt trận với tinh thần tiền tuyến gọi, một lần nữa TNXP Tình nguyện Tháng 8 Thủ đô và TNXP quận Ba Đình không quản ngại hi sinh gian khổ lại hăng hái lên đường lập công  theo mệnh lệnh của Bác Hồ vĩ đại “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho Ngụy nào, cho Việt Nam thống nhất! Cho Bắc Nam sum họp một nhà!”

                                                                                                            Họa sỹ Nguyễn Du

(Thân tặng các đồng chí cựu TNXP tình nguyện

Tháng 8 Thủ đô quận Ba Đình, Hà Nội)